Blog

Sỏi bùn túi mật có nguy hiểm không?

Sỏi bùn túi mật được xem như là giai đoạn tiền sỏi mật. Chúng xuất hiện một cách im lặng và có thể tự tan. Mặc dù không quá nguy hiểm, nhưng cần phòng tránh và chữa trị sớm để tránh biến chứng.

Sỏi bùn túi mật là gì?

Túi mật là một phần quan trọng của hệ tiêu hóa, nơi lưu trữ và đẩy dịch mật từ gan tiết ra đi ruột non để hỗ trợ tiêu hóa chất béo. Túi mật liên tục co bóp và thường được làm trống.

Sỏi bùn túi mật là tình trạng các thành phần của dịch mật như cholesterol, muối canxi, chất nhầy, lắng đọng và gắp lại thành các viên sỏi. Sỏi bùn túi mật khó phát hiện vì chúng xuất hiện một cách im lặng và có thể tự tan hoặc bị đẩy ra ngoài khi túi mật co bóp.

Tuy nhiên, việc lắng đọng trong thời gian dài của tinh thể bùn mật có thể tạo thành sỏi cholesterol trong túi mật. Sỏi bùn túi mật được coi là giai đoạn tiền sỏi mật.

Nguyên nhân sỏi bùn túi mật

Có nhiều nguyên nhân gây sỏi bùn túi mật. Dưới đây là một số nguyên nhân chính:

Trong thai kỳ: Việc mang thai có nguy cơ tạo áp lực lên túi mật. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm tăng khả năng mắc bệnh sỏi bùn túi mật. Tuy nhiên, mẹ bầu không cần quá lo lắng vì bùn túi mật thường tự tan sau khi sinh.

Giảm cân nhanh chóng: Phụ nữ thực hiện chế độ ăn uống khắt khe để giảm cân cũng dễ bị sỏi bùn mật. Nguyên nhân là việc giảm cân nhanh khiến gan sản xuất nhiều cholesterol do đốt cháy mỡ.

Do sỏi viên: Nếu có sỏi viên làm tắc nghẽn ống dẫn mật chủ, sỏi bùn mật có thể được hình thành.

Sử dụng thuốc: Sử dụng thường xuyên các loại thuốc như thuốc tránh thai, ceftriaxone, thuốc hạ mỡ máu cũng là nguyên nhân gây sỏi bùn túi mật.

Người nuôi ăn qua đường tĩnh mạch: Bệnh nhân phẫu thuật dạ dày hoặc người phải nuôi ăn qua đường tĩnh mạch cũng có nguy cơ cao bị sỏi bùn mật. Nguyên nhân là dịch mật không được lưu thông thường xuyên, gây ứ đọng lâu ngày.

Mật chứa quá nhiều cholesterol: Thông thường, mật có đủ chất để hòa tan cholesterol. Nhưng nếu gan tiết nhiều cholesterol hơn khả năng hòa tan của mật, cholesterol dư thừa sẽ lắng đọng và hình thành sỏi.

Mật chứa quá nhiều bilirubin: Bilirubin là chất được tạo ra khi hồng cầu bị phá vỡ. Một số bệnh như xơ gan, nhiễm trùng đường mật sẽ khiến gan sản xuất nhiều bilirubin. Lượng bilirubin dư thừa có thể hình thành sỏi.

Triệu chứng sỏi bùn túi mật

Bệnh sỏi bùn túi mật có triệu chứng tương tự như một số bệnh liên quan đến gan và hệ tiêu hóa, làm cho việc chẩn đoán trở nên khó khăn. Khi bạn có những triệu chứng dưới đây, rất có thể bạn đã mắc sỏi bùn túi mật.

Đau bụng trên hoặc ở phần giữa bên phải: Khi bị sỏi bùn túi mật, người bệnh thường trải qua cơn đau ở mạn sườn bên phải một cách đột ngột. Cơn đau thường xuất hiện sau khi ăn chất béo. Các triệu chứng khác có thể kèm theo như ớn lạnh, đầy hơi, buồn nôn…

Cơn đau có thể thay đổi, có thể đau nhẹ hoặc dữ dội. Thậm chí, đau còn kéo dài và không giảm.

Đau lưng hoặc đau giữa hai xương bả vai

Triệu chứng khác bao gồm:

  • Vàng da hoặc vàng mắt
  • Sốt
  • Phân màu đất sét trắng
  • Buồn nôn và nôn mửa

Sỏi bùn túi mật có nguy hiểm không?

Sỏi bùn mật có thể tự tan ở một số người. Tuy nhiên, không nên coi thường bệnh này vì nếu không được chữa trị kịp thời, có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm.

Viêm tụy cấp: Nghiên cứu cho thấy, tới 74% bệnh nhân bị viêm tụy không rõ nguyên nhân cùng lúc cũng bị sỏi bùn mật.

Viêm túi mật: Các viên sỏi bùn mật có thể làm cho dịch mật bị ứ đọng, dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng và sưng. Khi túi mật bị viêm, người bệnh thường xuyên đau, buồn nôn và đầy hơi.

Tắc ống dẫn mật: Các viên sỏi bùn mật có thể tắc ống dẫn mật hoặc gần các ống này. Sỏi cũng có thể gây nhiễm trùng và có nguy cơ cao gây sỏi mật hoặc vấn đề liên quan đến túi mật.

Sỏi mật: Sau một thời gian dài, bùn túi mật có thể phát triển thành sỏi mật. Khi bị sỏi mật, người bệnh sẽ phải đối mặt với những cơn đau túi mật dữ dội, và tiêu hóa chất béo bị ảnh hưởng.

Cách điều trị sỏi bùn túi mật

Thông thường, nếu bạn bị sỏi bùn túi mật nhưng không có triệu chứng, bạn không cần điều trị. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn nhất, bạn nên tìm cách làm tan sỏi để tránh biến chứng xấu hơn.

Thực hiện lối sống lành mạnh: Lối sống, thói quen ăn uống và sinh hoạt ảnh hưởng đến việc hình thành và tan sỏi bùn mật. Bạn cần duy trì một lối sống lành mạnh để bảo vệ sức khỏe và phòng tránh các bệnh liên quan đến túi mật.

Hãy thực hiện vận động, tập thể dục thường xuyên để tránh béo phì, tiểu đường và các vấn đề khác liên quan đến bùn mật. Bên cạnh đó, duy trì hoạt động với mức độ vừa phải, kiểm soát cân nặng để duy trì sức khỏe.

Song song với việc tập thể dục thường xuyên, bạn nên ăn ít chất béo, hạn chế thực phẩm giàu cholesterol như mỡ động vật, trứng, sữa, thịt đỏ. Hãy thay thế bằng rau xanh, trái cây và thực phẩm giàu chất xơ như gạo lứt, đậu bắp, các loại hạt…

Nếu bạn ăn nhiều chất béo, bạn dễ bị đau túi mật, vì vậy cần đảm bảo bạn đang ăn uống một cách lành mạnh. Chế độ ăn khoa học không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn giảm sự phát triển của sỏi bùn mật.

Dùng thuốc và phẫu thuật: Đối với những trường hợp sỏi bùn túi mật đã gây triệu chứng hoặc biến chứng, người bệnh nên sử dụng thuốc để làm tan sỏi hoặc phẫu thuật cắt bỏ túi mật. Tùy thuộc vào từng trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp phù hợp nhất để đạt hiệu quả cao nhất trong việc chữa trị bệnh.

Sử dụng thuốc là phương pháp đơn giản và hiệu quả, nhưng cần được thực hiện trong một thời gian dài và không thể tránh được nguy cơ tái phát sỏi.

Biện pháp phòng ngừa sỏi bùn túi mật

Sỏi bùn túi mật ảnh hưởng lớn đến cuộc sống hàng ngày và gây khó khăn cho quá trình tiêu hóa. Vì vậy, trước khi mắc bệnh, chúng ta cần áp dụng những biện pháp phòng ngừa sỏi bùn túi mật sau đây:

Giảm ăn dầu mỡ: Thức ăn chứa nhiều dầu mỡ như đồ chiên rán hoặc nội tạng động vật giàu cholesterol là những thực phẩm có hại cho gan và tăng nguy cơ mắc bệnh sỏi mật, vì thế bạn cần giới hạn. Hãy ăn nhiều rau xanh, hoa quả và thực phẩm giàu chất xơ. Bổ sung vitamin C hàng ngày để tăng sức đề kháng và hạn chế hấp thu chất béo.

Hãy duy trì cân nặng vì nó giúp hạn chế sự hình thành bệnh sỏi bùn mật. Tập thể dục thể thao hàng ngày để duy trì cân nặng, tăng cường sức đề kháng và độ dẻo dai cho cơ thể. Đây là biện pháp phòng bệnh rất hiệu quả.

Hạn chế ăn đồ ngọt, tinh bột tinh chế: Tinh bột và đường góp phần gia tăng mỡ và cholesterol trong gan, vì vậy cần hạn chế. Tránh ăn bánh kẹo, bánh ngọt, nước ngọt…

Tẩy giun định kỳ và ăn uống hợp vệ sinh: Biện pháp này giúp ngăn chặn nhiễm khuẩn đường mật do giun sán. Khi gan khỏe mạnh, cơ hội phát triển sỏi bùn mật sẽ giảm.

Lưu ý: Những thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh không nên tự ý mua thuốc để chữa trị. Để biết chính xác tình trạng bệnh, bạn nên tới bệnh viện để được bác sĩ tư vấn và chẩn đoán cũng như kê đơn thuốc phù hợp.

Trung tâm Tiêu hoá – Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc

Related Articles

Back to top button