Khí thiên nhiên hóa lỏng LNG là gì? Quy trình sản xuất, phân phối LNG.
Khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) là gì?
Khí thiên nhiên hóa lỏng (Liquefied Natural Gas), được coi là một trong những nguồn năng lượng sạch hàng đầu trong thời đại mới. LNG là một dạng khí thiên nhiên chủ yếu bao gồm CH4 – Methane (chiếm 94,3% thành phần), không màu, không mùi và không độc hại. Để chuyển từ khí thành dạng lỏng, LNG được làm lạnh ở nhiệt độ -162ºC. Vì vậy, một lượng LNG chỉ chiếm 1/600 thể tích so với khí tự nhiên ở điều kiện tiêu chuẩn (15 độ C, 1 atm). Điều này mang lại sự tiện lợi trong việc lưu trữ và vận chuyển đến các địa điểm tiêu thụ xa, với khả năng chứa gấp 2,4 lần so với khí thiên nhiên nén (CNG).
Khi được đốt, LNG tạo ra ngọn lửa có nhiệt độ rất cao (khoảng 1.880 độ C) và cháy hoàn toàn mà không để lại cặn. Điều này làm cho các thiết bị và máy móc an toàn hơn, giảm hao mòn, ít cần bảo trì và tăng tuổi thọ. LNG cũng tạo ra ít hơn 40% lượng khí thải CO2 so với than đá và ít hơn 30% so với dầu mỏ khi đốt cháy. Đây là một trong những lý do mà LNG được xem là nguồn năng lượng sạch nhất so với các loại nhiên liệu truyền thống. Chính vì những đặc tính này, LNG đang được nhiều quốc gia lựa chọn trong quá trình chuyển đổi năng lượng.
Quy trình sản xuất và phân phối LNG
Khí thiên nhiên được khai thác từ các mỏ khí tự nhiên hoặc là khí đồng hành trong quá trình khai thác dầu mỏ. Sau đó, khí này sẽ được vận chuyển đến các nhà máy tinh lọc để loại bỏ và xử lý các tạp chất. Trong quá trình này, các hợp chất không phải là hidrocacbon sẽ được loại bỏ, phổ biến nhất là Carbon Dioxide (CO2) và Hydro Sulfide (H2S). Khi tạp chất đã được loại bỏ hoàn toàn, khí thiên nhiên sẽ được làm lạnh ở nhiệt độ -162 độ C để chuyển sang dạng lỏng – LNG.
LNG được nhập khẩu từ các quốc gia có lượng khí tự nhiên dồi dào thông qua tàu chuyên chở và được tiếp nhận và lưu trữ trong hệ thống kho chứa. Sau đó, LNG nhập khẩu sẽ được phân phối tới khách hàng theo hai phương thức:
Phương thức 1: Tái hóa khí và cung cấp qua đường ống
LNG sẽ được tái hóa và nén thành khí trước khi được cung cấp qua đường ống đến các khách hàng sử dụng cho việc sản xuất điện và các hộ tiêu thụ công nghiệp nằm trong hệ thống đường ống hiện có.
Phương thức 2: Phân phối bằng bồn chuyên dụng (LNG ISO Container)
LNG cũng có thể được phân phối đến các khách hàng nằm ngoài hệ thống đường ống thông qua bồn chuyên dụng (LNG ISO Container).
Khi đến nơi tiêu thụ, LNG sẽ được chuyển về dạng khí tại các trạm tái hóa khí và được đưa vào hệ thống đốt của khách hàng.
Lợi ích và ứng dụng của LNG
LNG là một loại nhiên liệu có độ tin cậy cao và an toàn cho con người cũng như môi trường. Đây cũng là một trong những loại nhiên liệu hóa thạch sạch nhất và hiệu quả kinh tế cao nhất. Trữ lượng LNG trên thế giới còn rất dồi dào, đủ để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ lâu dài. Dưới đây là một số ứng dụng phổ biến của LNG:
- Thay thế than đá trong các nhà máy nhiệt điện.
- Được sử dụng để đốt cháy trong hệ thống sưởi ấm và sấy khô ở các khu dân cư và xưởng sản xuất thực phẩm.
- Thay thế xăng và dầu diesel trong ngành vận tải.
- Sử dụng trong các ngành công nghiệp nặng như luyện kim, sản xuất gạch, gốm sứ…
PV GAS và cơ sở hạ tầng LNG tại Việt Nam
Tại Việt Nam, PV GAS là đơn vị đầu tiên và duy nhất hiện nay đủ điều kiện xuất nhập khẩu LNG. PV GAS cũng sở hữu kho cảng LNG Thị Vải – tổ hợp LNG đầu tiên được đưa vào vận hành trên thị trường trong nước. Kho cảng LNG Thị Vải có thể tiếp nhận tàu LNG có trọng lượng lên đến 100.000 tấn, với bồn chứa LNG dung tích 180.000 m3 và các thiết bị công nghệ hàng đầu. Công suất hiện tại của kho là 1 triệu tấn LNG/năm trong giai đoạn 1, và dự kiến nâng cấp lên 3 triệu tấn LNG/năm trong giai đoạn 2. CNG Việt Nam, là một đơn vị thành viên của PV GAS, dẫn đầu trong cung cấp khí thiên nhiên nén CNG và hóa lỏng LNG bằng xe bồn chuyên dụng. Hiện nay, CNG Việt Nam chiếm hơn 70% thị phần và có cơ sở hạ tầng vận chuyển – phân phối trên toàn quốc.