Mở góc mắt ngoài
Phương pháp này sẽ giúp mở rộng và thay đổi hình dạng vùng đuôi mắt. Sau khi thực hiện, không chỉ kéo dài khe mi mắt theo chiều ngang mà còn làm sâu thêm vùng kết mạc mi để duy trì sự tiếp xúc giữa nhãn cầu và mi mắt.
Chỉ định
Phương pháp này phù hợp nhất với những người có:
- Đôi mắt lồi
- Đôi mắt xếch (có thể kết hợp với việc mở góc mắt ngoài và hạ đuôi mắt)
- Góc mắt ngoài lệch nhau
- Khoảng cách từ góc mắt ngoài đến viền mi ngoài từ 4mm trở lên
- Túi kết mạc đuôi mắt sâu hơn 3mm
- Tròng trắng của mắt lộ ra nhiều (được đánh giá bằng cách kéo góc mắt ngoài ra ngoài)
Chống chỉ định
- Bệnh nhân có kích thước nhãn cầu nhỏ hoặc mắt lõm quá nặng (thường không đạt được kết quả tốt)
- Khoảng cách giữa góc mắt ngoài và viền mi ngoài quá nhỏ
- Bệnh nhân bị mí mắt bị sụp nặng (vì việc mở rộng đuôi mắt sẽ làm tình trạng sụp mí trầm trọng hơn)
- Quy trình này không nên áp dụng cho những bệnh nhân có kỳ vọng quá cao.
Ưu và nhược điểm của việc mở rộng góc mắt ngoài
Ưu điểm:
- Kéo dài và mở rộng đôi mắt ngắn
- Có thể kết hợp giảm mắt lồi, mắt xếch, mí dưới bị lật, co rút
- Thời gian phục hồi ngắn, ít khi để lại sẹo
Nhược điểm:
- Kỹ thuật khó, đòi hỏi sự khéo léo và tỉ mỉ của người thực hiện
- Có nguy cơ ảnh hưởng đến sụn viền mi
Các kỹ thuật mở rộng góc mắt ngoài
Mở rộng góc mắt ngoài là một kỹ thuật phẫu thuật khó, yêu cầu sự khéo léo của bác sĩ khi cắt bỏ một phần da thừa để mở rộng và cải thiện góc mắt. Sau đó, phục hồi lại sao cho phù hợp với giải phẫu và không làm biến dạng mắt và sụn viền mi. Do đó, đòi hỏi sự khéo léo đặc biệt của bác sĩ, vì việc thực hiện không chính xác có thể gây viêm bờ mi hoặc lộ sụn viền mi, những tình trạng này rất khó điều trị.
Hiện nay có một số kỹ thuật mở rộng góc mắt ngoài phổ biến như: kỹ thuật vạt Y-V, kỹ thuật vạt chữ V; phương pháp Fox hoặc phương pháp Shin; đôi khi mở rộng góc mắt ngoài còn được kết hợp với kỹ thuật hạ góc mắt đối với những trường hợp mắt xếch. Dù chọn kỹ thuật nào, chỉ nên chỉnh sửa ở mức vừa phải hoặc thậm chí sửa dưới mức mong muốn một chút. Nếu không hài lòng, có thể tiếp tục chỉnh sửa, nhưng một khi đã sửa quá mức thì rất khó để khắc phục.
Kỹ thuật vạt Y-V
Đây là kỹ thuật lâu đời và thường được sử dụng cho người Châu Á. Trong phương pháp này, bác sĩ cắt một đường ngang xuống toàn chiều dày ở đuôi mắt và tách mí mắt trên và dưới từ đuôi mắt vào phía trong. Sau đó, tạo thêm hai đường cắt ngắn (khoảng 1cm) chạy từ góc mắt ngoài theo viền mi trên và dưới, tạo thành một vạt chữ V. Tiếp theo, tách lớp kết mạc, kéo vạt kết mạc ra bên ngoài và khâu cố định vào đường cắt. Phần còn lại của đường cắt được đóng lại riêng biệt. Sợi chỉ hai kim được luồn qua kết mạc ở đuôi mắt và kéo ra ngoài rồi thắt nút. Phương pháp này giúp tạo hình cho túi kết mạc mới và làm cho đuôi mắt trở nên sâu hơn.
Nhược điểm của phương pháp này là có thể làm lộ lớp kết mạc màu đỏ bên trong mí mắt nếu kéo kết mạc quá mức và lộ sẹo ở phần đuôi của mí mắt dưới.
Kỹ thuật vạt chữ V
Bác sĩ tạo một đường cắt hình chữ V ở đuôi mắt và đẩy vạt da hình tam giác lên phía trên (xem hình trên). Sau đó, cắt một đường ngang xuống toàn chiều dày ở đuôi mắt, khâu hai mép của đường cắt chữ V lại với nhau, sau đó cắt bỏ phần vạt da được đẩy lên, cuối cùng khâu vào phần đuôi của mí mắt trên. Vì phương pháp phẫu thuật này chỉ kéo căng vùng da ở đuôi mắt nên hiệu quả mở rộng không cao.
Mở rộng góc mắt ngoài kết hợp hạ đuôi mắt
Ở nhiều người Đông Á, phần đuôi mắt thường hướng lên trên và tạo thành đôi mắt xếch. Nếu chỉ mở rộng góc mắt ngoài trong những trường hợp như vậy, sự thay đổi sẽ không rõ rệt và có thể làm cho mắt trông càng xếch hơn. Việc kết hợp mở rộng góc mắt ngoài và hạ đuôi mắt sẽ làm cho mắt to và “hiền” hơn. Tuy nhiên, chỉ nên sử dụng phương pháp kết hợp này cho những người có đôi mắt quá xếch.
Tùy theo độ dốc từ mí mắt trên xuống đuôi mắt, có thể thực hiện việc mở rộng góc mắt ngoài theo hướng xiên xuống với đường cắt bắt đầu từ đuôi mắt và kéo dài ra bên ngoài, hướng xuống dưới. Chiều dài của đường cắt thường khoảng từ 4 đến 5mm, nhưng cũng có thể dài hoặc ngắn hơn tùy thuộc vào mức độ mở rộng mong muốn.
Vùng tam giác màu hồng (trên hình a) là vùng cần hạ thấp. Bác sĩ sẽ cắt một đường dọc theo độ dốc của mí mắt trên (đường màu đỏ trên hình b) để mở rộng góc mắt. Sau đó, tách cơ vòng mi, cố định sụn mi dưới và cố định đuôi mí mắt vào vị trí phù hợp, rồi khâu đóng vết cắt. Sau phẫu thuật, đường màu hồng (trên hình c) sẽ được hạ xuống đường màu đỏ. Đuôi mắt sẽ được mở rộng ra bên ngoài và hướng xuống dưới.
Quá trình phục hồi
Sau phẫu thuật, bệnh nhân sẽ cảm thấy da vùng góc mắt căng. Nên dùng mát trong 24 giờ đầu để giảm sưng, nghỉ ngơi với đầu cao và uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Các mũi khâu sẽ được cắt bỏ sau khoảng 5 – 7 ngày.
Biến chứng sau mở rộng góc mắt ngoài
Nếu không thực hiện quy trình này đúng cách, có thể gây ra các biến chứng như:
- Hai bên góc mắt bị lệch
- Sẹo lộ
- Phù kết mạc
- Biến dạng góc mắt ngoài
- Lộ niêm mạc và mí mắt bị lật
Tham vấn y khoa: Bác sĩ Tâm