Blog

Nghiến răng khi ngủ: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Bệnh nghiến răng khi ngủ là gì?

Nghiến răng là khi răng chặt vào nhau và gây ra tiếng ken két khó chịu. Bệnh nghiến răng có thể xảy ra một cách vô thức khi bạn đang tỉnh giấc hoặc trong giấc ngủ. Đây là một rối loạn cử động liên quan đến giấc ngủ và thường đi kèm với các rối loạn giấc ngủ khác như ngáy và ngưng thở khi ngủ. Nghiến răng có thể gây quá tải hệ thống nhai và thường đi cùng với các triệu chứng stress, rối loạn khớp cắn, dị ứng và liên quan đến tư thế ngủ.

Nghiến răng khi ngủ là một rối loạn cử động liên quan đến giấc ngủ

Nguyên nhân dẫn đến nghiến răng khi ngủ

Nguyên nhân dẫn đến nghiến răng khi ngủ thường khó xác định một cách chính xác. Nó có thể liên quan đến:

  • Căng thẳng và lo lắng: đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây nghiến răng khi ngủ.
  • Di truyền: thành viên trong gia đình mắc chứng nghiến răng khi ngủ.
  • Rối loạn cử động nhai kết hợp với sự kích thích thần kinh trong khi ngủ.
  • Các vấn đề về giấc ngủ như ngáy và ngưng thở khi ngủ.
  • Não bị tổn thương.
  • Răng bị xô lệch do mất răng quá lâu mà chưa được điều trị.
  • Rối loạn khớp thái dương hàm gây co thắt cơ.
  • Sử dụng một số loại thuốc (thuốc chống trầm cảm hay các chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc – SSRI, thuốc chống suy nhược, thuốc an thần).
  • Hút thuốc, tiêu thụ nhiều rượu, bia và cafein.
  • Xuất hiện ở trẻ đang thay răng hoặc thiếu niên đang phát triển. Trong trường hợp này, tình trạng nghiến răng thường dừng lại khi trẻ đến tuổi trưởng thành và răng đã mọc xong.
  • Rối loạn dinh dưỡng, tiết niệu, nội tiết cũng là những yếu tố thuận lợi gây bệnh, phổ biến ở trẻ em hơn người lớn.
  • Các rối loạn thần kinh như chứng bại não, down, động kinh…

Căng thẳng có thể dẫn đến nghiến răng khi ngủ

Dấu hiệu của bệnh nghiến răng

Các dấu hiệu của bệnh nghiến răng bao gồm:

  • Răng chặt vào nhau tạo ra tiếng ken két to.
  • Răng bị dẹt, sứt mẻ, lung lay hoặc thậm chí gãy răng.
  • Men răng bị mài mòn.
  • Đau răng hoặc răng trở nên nhạy cảm, dễ ê buốt hơn khi ăn uống.
  • Cơ hàm mỏi, căng cứng hoặc hàm bị khóa không thể đóng hay mở hoàn toàn.
  • Đau nhức hàm, cổ hoặc mặt.
  • Cảm giác đau đau tai dù không có vấn đề gì về tai.
  • Nhức đầu âm ỉ bắt đầu từ vùng thái dương đặc biệt là buổi sáng.
  • Giấc ngủ bị gián đoạn.

Biến chứng nguy hiểm

Khi tình trạng nghiến răng trở nên thường xuyên và nghiêm trọng, có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như:

  • Mài mòn, tổn thương răng.
  • Đau đầu căng thẳng.
  • Đau mặt hoặc hàm nghiêm trọng.
  • Rối loạn khớp thái dương hàm (TMD), tiếng lách cách khi bạn mở và ngậm miệng.
  • Gây phì đại cơ cắn làm biến đổi, mất cân xứng khuôn mặt.

Nghiến răng khi ngủ có thể gây mẻ răng, gãy răng

Cách chẩn đoán bệnh

Để chẩn đoán bệnh nghiến răng, có thể sử dụng các phương pháp sau:

  • Khám răng, khớp thái dương hàm và cơ hàm để xác định nguyên nhân và đánh giá mức độ nghiến răng.
  • Ghi đa ký giấc ngủ để theo dõi các thông số trong khi ngủ như nhịp tim, điện não, hơi thở, tư thế ngủ, cử động của cơ thể, chuyển động mắt…

Dựa trên kết quả khám, bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán và phương pháp điều trị phù hợp.

Khi nào cần gặp bác sĩ

Có những dấu hiệu cho thấy bạn cần gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời:

  • Răng bị tổn thương hoặc nhạy cảm hơn.
  • Đau đầu, hàm, mặt hoặc đau tai.
  • Khó mở miệng hoặc hàm cắn không chặt.
  • Tiếng nghiến răng quá to gây ảnh hưởng đến giấc ngủ của người khác.

Bạn có thể đến các cơ sở y tế gần nhất hoặc các bệnh viện uy tín để được thăm khám và chữa trị kịp thời.

Các phương pháp chữa bệnh nghiến răng

Phương pháp nha khoa

Các phương pháp nha khoa là phương pháp bảo tồn để ngăn ngừa hoặc khắc phục tổn thương, mài mòn răng do nghiến răng. Tuy nhiên, chúng không có tác dụng trực tiếp điều trị chứng nghiến răng. Các phương pháp nha khoa bao gồm:

  • Máng nhai: Máng nhai có thể làm từ nhựa acrylic cứng trong suốt hoặc vật liệu mềm, được thiết kế vừa khít với răng để ngăn chặn sự phá hủy răng và các tình trạng đau cơ, khớp thái dương hàm. Tùy theo tình trạng nghiến răng mà máng nhai được mang vào ban đêm hoặc ban ngày. Máng nhai cần được kiểm tra định kỳ bởi bác sĩ răng hàm mặt.
  • Chỉnh răng: Trong những trường hợp nghiêm trọng, nha sĩ có thể chỉnh lại bề mặt nhai của răng hoặc sử dụng mão răng (khuôn định hình răng) để sửa chữa hư hỏng của răng.

Máng nhai giúp ngăn chặn tổn thương răng

Sử dụng thuốc

Một số loại thuốc có thể được sử dụng cho chứng nghiến răng bao gồm:

  • Thuốc giãn cơ: Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể đề nghị người bị nghiến răng dùng thuốc giãn cơ trước khi đi ngủ trong một khoảng thời gian ngắn.
  • Tiêm botox: Tiêm Botox có thể được sử dụng đối với một số người mắc chứng nghiến răng nặng và không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác.
  • Thuốc chống lo lắng hoặc căng thẳng: Bác sĩ có thể khuyên bạn sử dụng thuốc chống trầm cảm hoặc thuốc chống lo âu để giúp bạn đối phó với căng thẳng hoặc các vấn đề cảm xúc khác.

Điều trị các rối loạn liên quan

Điều trị các rối loạn liên quan có thể bao gồm:

  • Thuốc: Nếu nguyên nhân gây nên chứng nghiến răng là do tác dụng phụ của một loại thuốc, việc thay đổi một loại thuốc khác có thể giúp ngăn chặn tình trạng nghiến răng.
  • Rối loạn liên quan đến giấc ngủ: Giải quyết các rối loạn liên quan đến giấc ngủ như ngưng thở khi ngủ có thể cải thiện chứng nghiến răng khi ngủ.
  • Bệnh lý: Nghiến răng có thể do một số bệnh lý tiềm ẩn như bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD), động kinh, rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD)… Việc điều trị tình trạng này có thể cải thiện chứng nghiến răng.

Một số phương pháp khác

Ngoài ra, có một số phương pháp khác có thể giúp giảm chứng nghiến răng:

  • Trị liệu tâm lý: Tìm đến sự giúp đỡ từ các nhà trị liệu hay bác sĩ tâm lý có thể giúp quản lý căng thẳng và giảm chứng nghiến răng.
  • Thay đổi hành vi: Luyện tập, thực hành điều chỉnh miệng và hàm về vị trí thích hợp cũng giúp ích rất nhiều trong điều trị chứng nghiến răng.

Trị liệu tâm lý góp phần làm giảm nghiến răng

Biện pháp phòng ngừa

  • Kiểm soát căng thẳng: Nghe nhạc, tắm nước ấm hoặc tập thể dục có thể giúp bạn thư giãn và giảm nguy cơ mắc chứng nghiến răng.
  • Tránh các chất kích thích trước khi ngủ: Không nên uống rượu, bia, cà phê hoặc trà chứa caffein vào buổi tối vì chúng có thể làm chứng nghiến răng trầm trọng hơn.
  • Có giấc ngủ chất lượng: Tránh thức quá khuya, ngủ đủ giấc và cải thiện chất lượng giấc ngủ có thể giúp ngăn ngừa chứng nghiến răng.
  • Khám răng định kỳ: Khám răng định kỳ là cách tốt nhất để phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh nghiến răng.

Giấc ngủ chất lượng giúp phòng ngừa nghiến răng

Dưới đây là một số bài viết liên quan khác:

  • Chứng nghiến răng đêm ở trẻ em
  • Phương pháp chữa bệnh nghiến răng khi ngủ
  • 12 nguyên nhân gây răng ố vàng khiến bạn bất ngờ

Related Articles

Back to top button