Blog

CÔNG TY KẾ TOÁN THIÊN ƯNG dạy học kế toán thực hành thực tế

I. Người phụ thuộc giảm trừ gia cảnh gồm những đối tượng sau:

  1. Con: con nuôi hợp pháp, con ngoài giá thú, con riêng của vợ, con riêng của chồng.
    1.1) Con dưới 18 tuổi (tính đủ theo tháng).
    Ví dụ: Con ông A sinh ngày 25/6/2023 thì được tính là người phụ thuộc từ tháng 6 năm 2023.
    1.2) Con từ 18 tuổi trở lên bị khuyết tật, không có khả năng lao động.
    1.3) Con đang theo học tại Việt Nam hoặc nước ngoài tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, kể cả con từ 18 tuổi trở lên đang học bậc học phổ thông (tính cả trong thời gian chờ kết quả thi đại học từ tháng 6 đến tháng 9 năm lớp 12) không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 1.000.000 đồng.

  2. Vợ hoặc chồng của người nộp thuế đáp ứng điều kiện tại điểm đ, khoản 1, Điều 9 Thông tư 111.

  3. Cha đẻ, mẹ đẻ; cha vợ, mẹ vợ (hoặc cha chồng, mẹ chồng); cha dượng, mẹ kế; cha nuôi, mẹ nuôi hợp pháp của người nộp thuế đáp ứng điều kiện tại điểm đ, khoản 1, Điều 9 Thông tư 111.

  4. Các cá nhân khác không nơi nương tựa mà người nộp thuế đang phải trực tiếp nuôi dưỡng và đáp ứng điều kiện tại điểm đ, khoản 1, Điều 9 Thông tư 111, bao gồm:
    4.1) Anh ruột, chị ruột, em ruột của người nộp thuế.
    4.2) Ông nội, bà nội; ông ngoại, bà ngoại; cô ruột, dì ruột, cậu ruột, chú ruột, bác ruột của người nộp thuế.
    4.3) Cháu ruột của người nộp thuế bao gồm: con của anh ruột, chị ruột, em ruột.
    4.4) Người phải trực tiếp nuôi dưỡng khác theo quy định của pháp luật.

II. Điều kiện đăng ký người phụ thuộc giảm trừ gia cảnh:

Chú ý: Nếu là “Cá nhân không nơi nương tựa”, sau đó mới xét đến điều kiện dưới đây. Nếu không đáp ứng điều kiện là cá nhân nương tựa, thì không cần phải xét các điều kiện dưới đây.

Điều kiện để đăng ký người phụ thuộc giảm trừ gia cảnh như sau:

  1. Đối tượng người phụ thuộc tại tiết 1 nêu trên (là Con) thì không cần điều kiện gì.
  2. Những đối tượng là người phụ thuộc tại tiết 2, 3, 4 nêu trên (như: Vợ, chồng, cha mẹ, ông bà, anh chị em, cháu ruột…) phải đáp ứng các điều kiện sau:
    a) Đối với người trong độ tuổi lao động phải đáp ứng đồng thời các điều kiện sau:
    +) Bị khuyết tật, không có khả năng lao động.
    +) Không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 1.000.000 đồng.
    b) Đối với người ngoài độ tuổi lao động phải không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 1.000.000 đồng.

Căn cứ theo điều 169 Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 quy định mới như sau: Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035. Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ. Người lao động bị suy giảm khả năng lao động, làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định tại khoản 2 Điều này tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định tại khoản 2 Điều này tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Quy định về người phụ thuộc không nơi nương tựa: Theo khoản 5 Điều 4 Nghị định 31/2013/NĐ-CP quy định, “Người sống cô đơn không nơi nương tựa” là người sống độc thân, không có hoặc không còn thân nhân.

Nguyên tắc tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc:

  • Người nộp thuế được tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc nếu đã đăng ký và được cấp mã số thuế cho người phụ thuộc.
  • Cá nhân đăng ký người phụ thuộc phải chuẩn bị 1 bộ hồ sơ chứng minh người phụ thuộc để nộp cho doanh nghiệp (doanh nghiệp sẽ lưu lại và giải trình khi cơ quan thuế kiểm tra).
  • Người nộp thuế có thể đăng ký nhiều người phụ thuộc. Mỗi người phụ thuộc chỉ được tính giảm trừ một lần vào một người nộp thuế trong năm tính thuế. Trường hợp nhiều người nộp thuế có chung người phụ thuộc phải nuôi dưỡng thì người nộp thuế tự thỏa thuận để đăng ký giảm trừ gia cảnh vào một người nộp thuế.

Nếu bạn muốn học cách kê khai thuế tháng/quý, xác định chi phí được trừ – không được trừ, quyết toán thuế cuối năm… Có thể tham gia khóa học kế toán thuế thực tế chuyên sâu.

Related Articles

Back to top button