Quản lý giáo dục là gì? Học quản lý giáo dục ra làm gì?
Quản lý giáo dục có vai trò quan trọng trong xã hội hiện nay. Trong bối cảnh ngành giáo dục đang tiến hành đổi mới toàn diện, quản lý giáo dục ngày càng cần phải chuyên nghiệp và hiệu quả. Học quản lý giáo dục mở ra nhiều cơ hội việc làm.
Khái niệm quản lý giáo dục là gì?
Theo tài liệu “Tổng quan về quản lý giáo dục” của Trường cán bộ quản lý giáo dục – đào tạo, quản lý giáo dục được hiểu là việc tác động có ý thức của nhà quản lý tới hệ thống giáo dục, nhằm đạt được kết quả mong muốn một cách hiệu quả nhất.
Chủ thể quản lý giáo dục bao gồm nhà quản lý, tập thể nhà quản lý và bộ máy quản lý giáo dục. Trong trường học, chủ thể quản lý bao gồm Hiệu trưởng (cùng với bộ máy giúp việc), tập thể giáo viên và các tổ chức đoàn thể.
Khách thể quản lý giáo dục bao gồm trường học hoặc các cơ quan quản lý giáo dục trên địa bàn. Nó bao gồm bốn thành tố của một hệ thống xã hội: tư tưởng, con người, quá trình giáo dục và tài chính.
Chủ thể quản lý tác động đến khách thể quản lý một cách có ý thức để đạt được mục tiêu đề ra và các mục tiêu quản lý cũng tham gia vào việc quy định bản chất của quản lý giáo dục.
Nội dung của quản lý giáo dục
Nội dung quản lý giáo dục được quy định tại Điều 99 Luật Giáo dục 2005 gồm các nhiệm vụ như sau:
- Xây dựng và chỉ đạo thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển giáo dục.
- Ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục; ban hành điều lệ nhà trường; ban hành quy định về tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục khác.
- Quy định mục tiêu, chương trình, nội dung giáo dục; tiêu chuẩn nhà giáo; tiêu chuẩn cơ sở vật chất và thiết bị trường học; việc biên soạn, xuất bản, in và phát hành sách giáo khoa, giáo trình; quy chế thi cử và cấp văn bằng, chứng chỉ.
- Tổ chức, quản lý việc bảo đảm chất lượng giáo dục và kiểm định chất lượng giáo dục.
- Thực hiện công tác thống kê, thông tin về tổ chức và hoạt động giáo dục.
- Tổ chức bộ máy quản lý giáo dục.
- Tổ chức, chỉ đạo việc đào tạo, bồi dưỡng, quản lý nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.
- Huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực để phát triển sự nghiệp giáo dục.
- Tổ chức, quản lý công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ trong lĩnh vực giáo dục.
- Tổ chức, quản lý công tác hợp tác quốc tế về giáo dục.
- Quy định việc tặng danh hiệu vinh dự cho người có nhiều công lao đối với sự nghiệp giáo dục.
- Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giáo dục; giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về giáo dục.
Vai trò của quản lý giáo dục
Quản lý giáo dục có vai trò quan trọng trong xã hội hiện nay. Cụ thể:
- Quản lý giáo dục giúp đạt được sự thống nhất về ý chí và hành động của giáo viên, học sinh trong tổ chức giáo dục. Khi có sự thống nhất cao, tổ chức giáo dục hoạt động hiệu quả.
- Định hướng sự phát triển của tổ chức giáo dục dựa trên mục tiêu chung và thúc đẩy sự tham gia của giáo viên, học sinh và tổ chức.
- Phối hợp giữa giảng viên, giáo viên, học sinh, sinh viên và tất cả nguồn lực trong tổ chức để đạt được mục tiêu với hiệu quả cao nhất.
- Giúp tổ chức giáo dục thích nghi với sự biến đổi trong môi trường và tận dụng tốt cơ hội và thách thức, giảm nhẹ những ảnh hưởng tiêu cực từ môi trường.
- Quản lý giáo dục có vai trò quan trọng trong việc điều phối hoạt động của giáo viên và học sinh để hình thành một nhân cách tốt cho học sinh.
Ngành Quản lý giáo dục là gì?
Để thực hiện tốt công tác quản lý giáo dục, cần có đội ngũ nhân sự làm công tác hành chính giáo dục chuyên nghiệp, phù hợp với những đổi mới trong sự nghiệp giáo dục hiện nay. Ngành Quản lý giáo dục ra đời để đào tạo nhân sự hành chính về quản lý giáo dục.
Theo học ngành Quản lý giáo dục, sinh viên sẽ có kiến thức cơ bản về quản lý giáo dục và kỹ năng thực hành quản lý giáo dục đáp ứng nhu cầu quản lý, nghiên cứu, ứng dụng khoa học và các hoạt động của nhà trường và cơ quan quản lý giáo dục các cấp.
Chương trình đào tạo ngành Quản lý giáo dục bao gồm kiến thức cốt lõi của khoa học xã hội và nhân văn, kiến thức cơ sở ngành và liên ngành của khoa học giáo dục, kiến thức chuyên ngành Quản lý giáo dục, và học phần thực tập, thực tế.
Học ngành Quản lý giáo dục ra làm gì?
Sau khi tốt nghiệp ngành Quản lý giáo dục, bạn sẽ có năng lực đảm nhiệm các vị trí công tác sau:
- Chuyên viên quản lý hành chính giáo dục trong các cơ quan quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo).
- Chuyên viên (văn phòng, quản lý cơ sở vật chất và thiết bị trường học, quản lý học sinh, sinh viên, phòng đào tạo, phòng đảm bảo chất lượng, phòng thanh tra giáo dục, phòng tổ chức cán bộ) trong các cơ sở giáo dục các cấp.
- Chuyên viên quản lý hành chính giáo dục trong các cơ sở giáo dục thường xuyên (Trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh, huyện, quận), cơ sở giáo dục cộng đồng (Trung tâm học tập cộng đồng), các cơ sở đào tạo bồi dưỡng, cơ quan quản lý giáo dục của các tổ chức chính trị – xã hội, đoàn thể, doanh nghiệp, dự án, các tổ chức giáo dục ngoài công lập.
- Chuyên viên phụ trách công tác văn hóa, giáo dục trong các cơ quan chính quyền và các tổ chức văn hóa giáo dục cộng đồng.
- Cán bộ nghiên cứu trong các cơ quan nghiên cứu về quản lý giáo dục (viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu của các trường đại học, cao đẳng).
- Giảng viên chuyên ngành quản lý giáo dục trong các cơ sở đào tạo và bồi dưỡng cán bộ (học viện, trường đào tạo và bồi dưỡng cán bộ cấp tỉnh, thành phố, các khoa trong trường đại học và cao đẳng).
- Có thể tiếp tục học tập và nghiên cứu chuyên môn ở trình độ thạc sĩ và tiến sĩ chuyên ngành Quản lý giáo dục. Nhiều cán bộ lãnh đạo, cán bộ cấp tỉnh, cấp huyện đã từng học tập, nghiên cứu chuyên ngành này.
Các khối xét tuyển ngành Quản lý giáo dục
Ngành Quản lý giáo dục thường xét tuyển theo các khối sau:
- A00: Toán, Vật Lý, Hóa học.
- A01: Toán, Vật Lý, Tiếng Anh.
- C00: Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh.
- C04: Toán, Văn, Địa.
- C14: Văn, Toán, GDCD.
- C20: Văn, Địa, GDCD.
- D01: Toán, Anh, Văn.
- D14: Văn, Anh, Sử.
- D78: Văn, Anh, KHXH.
Điểm chuẩn ngành Quản lý giáo dục
Các trường đào tạo ngành Quản lý giáo dục có các điểm chuẩn khác nhau, ví dụ:
- Học viện Quản lý giáo dục: 16 (Năm 2021).
- Đại học Thủ đô Hà Nội: 29 (Năm 2021, thang điểm 40).
- Đại học Sư phạm Hà Nội: 25.7-26.75 tuỳ khối (Năm 2021).
- Đại học Vinh: 16 (Năm 2021).
- Đại học Quy Nhơn: 15 (Năm 2021).
- Đại học Sư phạm TP.HCM: 23.30 (Năm 2021).
- Đại học Sài Gòn: 22.55-23.55 tuỳ khối (Năm 2021).
Bên cạnh sinh viên học ngành Quản lý giáo dục ở các trường ĐH, những người là cán bộ quản lý giáo dục các cấp cũng có thể tham gia các lớp bồi dưỡng ngắn hạn để lấy chứng chỉ về Quản lý giáo dục theo chương trình của Bộ GD&ĐT.
Lương ngành quản lý giáo dục
Nếu làm việc trong các phòng giáo dục, trường học, cơ quan nhà nước, thu nhập của bạn sẽ theo các bậc lương của chính phủ và tăng dần theo thâm niên, vị trí cũng như thăng tiến. Thu nhập phổ biến nhất là khoảng 5-6 triệu/tháng và có thể tăng lên 7-9 triệu/tháng.
Các chuyên viên đào tạo có thể nhận được 8-10 triệu/tháng, cao hơn là 15 triệu/tháng. Nhân viên tư vấn khóa học, tư vấn du học có mức lương khoảng 5-7 triệu/tháng và hoa hồng theo doanh số, do đó tổng thu nhập có thể vượt qua 10 triệu/tháng.