Blog

Tổng quan bệnh rối loạn ngôn ngữ ở trẻ: Dấu hiệu, nguyên nhân và cách khắc phục

Rối loạn ngôn ngữ là vấn đề trực tiếp ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Phát hiện và điều trị rối loạn ngôn ngữ ở trẻ em sớm giúp tăng cơ hội cho trẻ hòa nhập cộng đồng và phát triển bình thường như các đứa trẻ khác.

Rối loạn ngôn ngữ ở trẻ là gì?

Rối loạn ngôn ngữ là một dạng rối loạn trong giao tiếp. Trẻ bị rối loạn này thường gặp khó khăn trong việc hiểu và giao tiếp hàng ngày. Ngoài ra, trẻ cũng gặp khó khăn trong việc viết và trình bày bằng chữ viết.

Rối loạn ngôn ngữ ở trẻ được chia thành 2 dạng:

  • Rối loạn ngôn ngữ tiếp thu: Trẻ gặp khó khăn trong việc hiểu những gì mà trẻ nghe và đọc.
  • Rối loạn ngôn ngữ biểu đạt: Trong dạng này, trẻ có thể hiểu vấn đề nhưng lại gặp khó khăn khi nói, diễn đạt và thể hiện suy nghĩ và cảm xúc của mình.

Biểu hiện của rối loạn ngôn ngữ ở trẻ

Tùy thuộc vào dạng rối loạn ngôn ngữ mà trẻ mắc phải, trẻ sẽ có những biểu hiện khác nhau.

Biểu hiện của rối loạn ngôn ngữ tiếp thu

Trẻ mắc rối loạn này thường cảm thấy khó khăn trong việc tiếp thu những gì trẻ nghe và nhìn thấy. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến việc học của trẻ. Trẻ gặp khó khăn trong việc:

  • Học từ mới
  • Hiểu những gì mọi người nói
  • Hiểu khái niệm và ý tưởng từ lời nói của người khác
  • Hiểu được những hành động, cử chỉ của mọi người
  • Hiểu những gì trẻ đọc được
  • Trả lời câu hỏi của người khác
  • Làm theo hướng dẫn

Biểu hiện của rối loạn ngôn ngữ biểu đạt

Trẻ bị rối loạn ngôn ngữ biểu đạt thường gặp khó khăn khi sử dụng ngôn ngữ. Trẻ có khả năng hiểu những gì mình nghe và nhìn thấy nhưng lại không biết cách bày tỏ những gì mình nghĩ, biết và cảm xúc của chính mình.

Trẻ bị rối loạn ngôn ngữ biểu đạt sẽ gặp khó khăn trong việc:

  • Bày tỏ cảm xúc
  • Trình bày suy nghĩ và ý tưởng
  • Sử dụng từ ngữ chính xác
  • Kể chuyện
  • Đặt câu hỏi
  • Hát hoặc đọc thơ
  • Sử dụng cử chỉ
  • Nói tên các loài vật, đồ vật
  • Rối loạn phát âm

Nguyên nhân gây rối loạn ngôn ngữ ở trẻ nhỏ

Rối loạn ngôn ngữ ở trẻ có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng này:

  • Trẻ bị tổn thương não do dị tật bẩm sinh, tai nạn
  • Trẻ bị hở hàm ếch gây trở ngại cho việc không khí đi qua cổ họng, mũi và miệng
  • Trẻ gặp các vấn đề về thính lực
  • Trẻ mắc một số rối loạn bẩm sinh như bại não, dẫn đến nói lắp

Rối loạn ngôn ngữ ảnh hưởng như thế nào đến trẻ?

Rối loạn ngôn ngữ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng giao tiếp, biểu đạt và tiếp thu kiến thức của trẻ. Trẻ bị rối loạn ngôn ngữ cũng gặp khó khăn khi tham gia các hoạt động vui chơi với bạn bè. Điều này đặc biệt quan trọng trong giai đoạn trẻ đang học tập và tiếp nhận nhiều kiến thức mới, vì vậy rối loạn ngôn ngữ có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.

Một số dạng rối loạn ngôn ngữ ở trẻ thường gặp là nói lắp, chậm nói, nói sai ngữ pháp, nói ngọng. Việc bị nói lắp, ngọng và chậm nói sẽ khiến trẻ thiếu tự tin và khó hòa nhập với mọi người xung quanh. Khả năng khó hiểu và tiếp thu những gì nhìn thấy, nghe thấy cũng ảnh hưởng đến khả năng nhận thức của trẻ.

Biện pháp khắc phục chứng rối loạn ngôn ngữ ở trẻ

Tùy thuộc vào biểu hiện của trẻ, các phương pháp hỗ trợ hiệu quả sẽ khác nhau. Rối loạn ngôn ngữ ở trẻ có thể được cải thiện thông qua các biện pháp sau:

Khắc phục rối loạn ngôn ngữ ở trẻ chậm nói

Với trẻ chậm nói, có thể áp dụng các biện pháp sau:

  • Diễn tả thành lời những việc bạn làm cho con hiểu, đồng thời mở rộng vốn từ và khuyến khích con nói theo bạn.
  • Cho trẻ tham gia nhiều hoạt động để mở rộng vốn từ mới cho bé. Hãy cho bé chơi đùa với mọi người, được nghịch cát, chạy nhảy để tăng khả năng giao tiếp và hỗ trợ bé nói nhanh hơn.
  • Đọc sách cùng con mỗi ngày, đặc biệt là các cuốn truyện tranh đầy màu sắc và hình ảnh để giúp con làm quen với nhiều từ mới, biết cách gọi tên các con vật, đồ vật và khuyến khích con phát âm theo bạn.
  • Hát cho trẻ nghe cũng là cách hỗ trợ trẻ chậm nói. Những giai điệu trong bài hát giúp trẻ tiếp thu ngôn ngữ nhanh hơn.

Khắc phục chứng rối loạn ngôn ngữ ở trẻ nói lắp

Nói lắp là rối loạn lời nói mà dòng chảy bình thường của lời nói bị phá hủy bởi những âm thanh hoặc từ ngữ kéo dài. Trẻ cũng gặp khó khăn khi bắt đầu câu nói. Đa số rối loạn nói lắp sẽ được khắc phục khi trẻ lớn lên.

Để hỗ trợ trẻ cải thiện chứng nói lắp, ba mẹ có thể áp dụng những cách sau:

  • Nói chuyện với trẻ từ tốn, chậm rãi.
  • Giao tiếp bằng mắt trong khi nói chuyện với con.
  • Động viên để trẻ không cảm thấy tự ti và giúp con cố gắng luyện nói mỗi ngày.
  • Các thành viên trong gia đình tạo thói quen không cắt ngang lời khi người khác đang nói để giúp trẻ dễ tiếp nhận thông tin và không cảm thấy sợ khi phải nói chuyện với nhiều người.
  • Luôn vui vẻ và kiên nhẫn khi giao tiếp với trẻ để con cảm thấy thoải mái và không căng thẳng. Nếu căng thẳng tình trạng nói lắp của con trầm trọng hơn.

Khuyến khích trẻ phát triển ngôn ngữ từ sớm

Khuyến khích trẻ phát triển ngôn ngữ từ sớm sẽ giúp con có được vốn từ phong phú và tự tin hơn trong giao tiếp. Để thực hiện điều này, ba mẹ có thể áp dụng các cách sau:

  • Bắt đầu nói chuyện với trẻ ngay từ khi trẻ mới chào đời và duy trì việc nói chuyện thường xuyên với con.
  • Khi bé ừ, à, bi bô tập nói, hãy đáp lại lời của con.
  • Chơi đùa với trẻ từ những trò chơi đơn giản như ú òa đến những trò chơi phức tạp hơn.
  • Khuyến khích trẻ kể chuyện, ca hát để trẻ tích cực giao tiếp bằng ngôn ngữ.
  • Hát và đọc truyện cho bé nghe hàng ngày để tăng vốn từ cho con.
  • Khi bạn làm việc hoặc ăn uống một điều gì đó, hãy gọi tên những việc bạn làm để giới thiệu với bé, giúp con hiểu thêm về nhiều sự vật xung quanh mình.
  • Cho bé tham gia các hoạt động ngoại khóa, vui chơi cùng bạn bè nhiều hơn.

Việc khuyến khích trẻ tập nói từ sớm sẽ có lợi cho sự phát triển ngôn ngữ của con sau này.

Biện pháp phòng tránh rối loạn ngôn ngữ ở trẻ

Rối loạn ngôn ngữ ở trẻ ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống và sự phát triển của trẻ. Để phòng tránh tình trạng này, ba mẹ nên chủ động áp dụng các biện pháp từ sớm, không chờ đến khi con bị rối loạn ngôn ngữ mới tìm cách điều trị.

Trong giai đoạn trẻ tập nói (0 – 3 tuổi), hãy hạn chế việc cho trẻ xem TV, sử dụng điện thoại, máy tính bảng vì việc tập trung vào màn hình điện tử quá lâu làm con không có thời gian giao tiếp với mọi người xung quanh, chỉ biết tiếp thu thông tin qua những gì trẻ nhìn thấy trên TV, điện thoại. Khi trẻ ngồi xem, con chỉ biết xem chứ không biết nói chuyện, từ đó sẽ hạn chế khả năng học nói và luyện tập nói, từ đó có thể dẫn đến rối loạn ngôn ngữ ở trẻ.

Hãy dành thời gian hàng ngày để vui chơi, trò chuyện và hát cùng con để tạo nhiều cơ hội cho con được nói. Trong trường hợp con ít nói, nói không rõ… thì đừng trách mắng hay tạo áp lực cho con, hãy khuyến khích và động viên con để cố gắng cải thiện.

Nếu con bị rối loạn ngôn ngữ, chậm nói… ba mẹ có thể đưa con đi khám bác sĩ để bác sĩ chẩn đoán tình trạng của con cũng như đưa ra biện pháp can thiệp sớm để con nhanh chóng hòa nhập với mọi người và phát triển bình thường như các đứa trẻ khác.

Tại BV Hồng Ngọc, trẻ chậm nói sẽ được thăm khám và tư vấn bởi Ths.Bs Đỗ Trọng Thiện, chuyên gia trong lĩnh vực điều trị tự kỷ, chậm nói ở trẻ. Bác sĩ Thiện đã tiếp nhận và điều trị thành công hàng trăm ca bệnh khó trong lĩnh vực tâm lý trẻ em, ví dụ như trẻ thu mình, ngại giao tiếp xã hội, trẻ không thể ngồi yên, rối nhiễu cảm xúc, v.v.

Với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực này, Ths.Bs Đỗ Trọng Thiện và Bệnh viện Hồng Ngọc luôn nỗ lực mang đến sự chăm sóc tốt nhất cho sức khỏe tinh thần của trẻ em Việt Nam, giúp khắc phục hiệu quả rối loạn ngôn ngữ ở trẻ.

Đăng ký nhận ưu đãi tại đây:

Thông tin liên hệ:

KHOA TÂM LÝ VÀ SỨC KHỎE TÂM THẦN – BỆNH VIỆN HỒNG NGỌC

  • Địa chỉ: Số 8 Châu Văn Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Nội
  • Hotline: 0947 616 006

Lưu ý: Những thông tin cung cấp trong bài viết mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh không nên tự ý mua thuốc để điều trị. Để biết chính xác về tình trạng bệnh lý, người bệnh cần đến các bệnh viện để được bác sĩ thăm khám trực tiếp chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị hợp lý.

Theo dõi fanpage của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc để biết thêm thông tin bổ ích khác: https://www.facebook.com/BenhvienHongNgoc

Image 1

Image 2

Related Articles

Back to top button