Blog

Vay tiền trả góp là gì? Vay trả góp có giới hạn lãi suất?

1. Vay tiền trả góp là gì?

Quy định về vay tiêu dùng của công ty tài chính (theo Thông tư 43/2016/TT-NHNN) định nghĩa vay tiền trả góp như sau: “Cho vay trả góp là hình thức cho vay tiêu dùng của công ty tài chính đối với khách hàng, trong đó công ty tài chính và khách hàng thỏa thuận trả nợ gốc và lãi theo nhiều kỳ hạn.”

Dựa trên quy định trên, vay tiền trả góp là hình thức vay mà số tiền gốc và lãi phải trả được chia ra thành nhiều kỳ và trả dần trong thời gian vay. Tuy nhiên, quy định này áp dụng chủ yếu cho hợp đồng vay giữa công ty tài chính và khách hàng. Tuy vậy, trên thực tế, vay tiền trả góp cũng có thể được thực hiện giữa cá nhân và tổ chức theo quy định của Bộ luật dân sự 2015 mà không làm thay đổi tính chất của hình thức vay này.

2. Các hình thức vay trả góp

Hiện nay, có 02 hình thức phổ biến mà các tổ chức tín dụng và ngân hàng sử dụng để phát hành các sản phẩm vay trả góp bao gồm: vay thế chấp và vay tín chấp.

Vay trả góp tín chấp

Đây là hình thức vay không cần tài sản đảm bảo, mà dựa hoàn toàn vào uy tín của cá nhân về khả năng trả nợ để phục vụ cho các mục đích cá nhân. Vay trả góp tín chấp chủ yếu được áp dụng cho các khoản vay tiêu dùng như mua sắm, sửa chữa nhà cửa, du lịch, cưới hỏi…

Ưu điểm của vay trả góp tín chấp là thủ tục đơn giản, xét duyệt nhanh chóng và giải ngân nhanh. Tuy nhiên, với hình thức này, thông thường khách hàng chỉ có thể vay số tiền dưới 100 triệu đồng nếu vay thông qua công ty tài chính hoặc dưới 500 triệu đồng nếu vay qua ngân hàng.

Vay trả góp thế chấp

Đây là hình thức mà bên vay sử dụng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm việc trả nợ. Bên cho vay sẽ dựa vào giá trị của tài sản thế chấp để duyệt hạn mức của khoản vay. Trường hợp khách hàng không thể trả nợ hoặc trả không đầy đủ đến hạn, tài sản thế chấp sẽ được sử dụng để thay thế nghĩa vụ trả nợ. Phương thức xử lý tài sản thế chấp được quy định trong Điều 303 Bộ luật dân sự 2015 bao gồm bán đấu giá tài sản, tự bán tài sản, nhận chính tài sản để thay thế hoặc các phương thức khác.

Khi vay thế chấp, khách hàng có thể vay số tiền lớn với lãi suất thấp và thời hạn vay lâu dài. Tuy nhiên, thủ tục và thời gian xét duyệt sẽ khó khăn hơn so với vay tín chấp.

3. Lãi suất vay trả góp

Hình thức vay tiền trả góp có thể được thực hiện giữa tổ chức tín dụng và khách hàng hoặc giữa những cá nhân và tổ chức khác trong xã hội. Tương ứng với mỗi hình thức này, mức lãi suất áp dụng cũng khác nhau.

Vay trả góp giữa tổ chức tín dụng và khách hàng

Theo quy định hiện hành, tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay dựa trên cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng. Mức lãi suất giữa tổ chức tín dụng và khách hàng phụ thuộc vào thỏa thuận và không có giới hạn cụ thể, trừ khi ngân hàng nhà nước quy định lãi suất tối đa.

Vay trả góp giữa cá nhân, tổ chức khác

Trong trường hợp này, mức lãi suất được áp dụng như đối với hợp đồng vay dân sự. Điều 468 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp có thỏa thuận về lãi suất, lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20% mỗi năm của số tiền vay, trừ trường hợp có quy định khác. Trường hợp không có thỏa thuận về lãi suất hoặc có tranh chấp về lãi suất, lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất tối đa tại thời điểm trả nợ.”

Các bên có thể thỏa thuận với mức lãi suất tối đa là 20% mỗi năm của số tiền vay. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá mức tối đa sẽ không có hiệu lực và bên cho vay có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo mức độ vi phạm.

Related Articles

Back to top button